Xuất khẩu sắt thép đạt gần 1,9 tỷ USD, xuất khẩu xi măng đạt 430,6 triệu USD trong 8 tháng năm 2017, tăng tương ứng 13,3% và 43% so với cùng kỳ năm trước.
Xi măng không lo hụt chỉ tiêu
Năm 2017, ngành xi măng đặt mục tiêu xuất khẩu 17 triệu tấn, nhưng mới qua 8 tháng đầu năm nay đã đạt trên 12 triệu tấn.
Bangladesh và Philippines vẫn là 2 thị trường xuất khẩu xi măng và clinker lớn nhất của Việt Nam, trong đó, thị trường Bangladesh dẫn đầu với sản lượng xuất khẩu đạt 4,9 triệu tấn, trị giá 144 triệu USD. Thị trường Philippines đứng thứ 2, với 3,15 triệu tấn, trị giá 141 triệu USD; Đài Loan đạt 661 triệu tấn, với kim ngạch 19,5 triệu USD…
Theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, xuất khẩu xi măng tăng hơn 20% đã vượt kỳ vọng của ngành, trong điều kiện phải đối đầu sự cạnh tranh với các tập đoàn xi măng của các nước láng giềng và xu thế giảm giá xi măng, clinker vốn đã kéo dài 2 năm nay.
Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam mới đưa Nhà máy Xi măng Sông Lam (với 2 dây chuyền, công suất hơn 4 triệu tấn) vào hoạt động từ tháng 10/2016, nhưng hiện giờ đã chạy hết công suất do kín đơn hàng xuất khẩu.
Bà Đỗ Thị Hằng, Phó giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam cho biết, cạnh tranh xuất khẩu xi măng của Việt Nam với các nước trong khu vực rất khắc nghiệt, nhưng với thâm niên xuất khẩu cả chục năm, Công ty vẫn được khách đặt hàng trong dài hạn với sản lượng lớn, đảm bảo tiêu thụ ở mức cao nhất đối với sản phẩm của nhà máy mới.
Thu gần 1,9 tỷ USD từ xuất khẩu sắt thép
Là ngành đang chịu nhiều khó khăn từ chính sách phòng vệ thương mại của nhiều thị trường nhập khẩu chính, nhưng kim ngạch xuất khẩu sắt thép trong 8 tháng qua vẫn mang về lượng ngoại tệ tới 1,835 tỷ USD, tăng 27% về lượng và tăng 43% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính của ngành sắt thép trong 8 tháng qua, với lượng xuất khẩu hơn 1,3 triệu tấn, chiếm tới 58% tổng lượng thép thành phẩm xuất khẩu. Các sản phẩm Việt Nam có lượng xuất khẩu tăng trưởng tốt là ống thép hàn (tăng 320%), thép xây dựng (tăng 45%), tôn mạ (tăng 24%)...
Đóng góp lớn trong việc gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu sắt thép từ đầu năm đến nay là Công ty cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG), với sản lượng xuất khẩu gia tăng đột biến, gấp 9 lần so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu thống kê của Hòa Phát cho thấy, 8 tháng năm 2017, Hòa Phát đã xuất khẩu 116.000 tấn, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ xuất khẩu được gần 12.000 tấn.
Lãnh đạo Thép Hòa Phát cho biết, từ nửa cuối tháng 9 trở đi, thị trường có khả năng tiêu thụ tốt hơn, nên Tập đoàn đang phát huy tối đa công suất nhằm phục vụ nhanh nhất mọi nhu cầu của khách hàng.
Theo nhận định của VSA, triển vọng xuất khẩu thép của Việt Nam trong năm 2017 là khả quan, bởi dự báo xuất khẩu thép của Trung Quốc trong năm nay có thể giảm do nhu cầu nội địa tăng mạnh để phục vụ các dự án xây dựng cầu đường, thủy điện và giao thông...
Ngoài ra, trước các vụ kiện phòng vệ thương mại ở quy mô toàn cầu, các doanh nghiệp thép Trung Quốc đang phải cân nhắc, điều chỉnh xuất khẩu để không ảnh hưởng tới toàn bộ ngành công nghiệp thép Trung Quốc. Đây cũng là thuận lợi để doanh nghiệp thép Việt Nam chớp thời cơ tăng xuất khẩu.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 8 tháng qua, xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam đã tăng 20,7% về lượng và 13,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.
Cụ thể, tổng lượng xi măng và clinker xuất khẩu đã đạt 12,2 triệu tấn, thu về 430,6 triệu USD.
Liên tục trong những tháng gần đây, sản lượng xi măng, clinker xuất khẩu đều duy trì “phong độ” khá ổn định, đạt 1,3 - 1,4 triệu tấn/tháng, với giá xuất khẩu có tăng nhẹ.
Chỉ tính riêng trong tháng 8/2017, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,4 triệu tấn xi măng và clinker, trị giá 55 triệu USD, so với tháng 7/2017, giảm 0,9% về lượng, nhưng tăng 7% về kim ngạch.
Nguồn tin: ĐTCK