Tính đến cuối năm 2017, trong số 124 vụ kiện, điều tra phòng vệ thương mại với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, có tới 30 vụ liên quan đến thép. Ảnh: Lê Tiên |
Dồn dập bị kiện chống bán phá giá
9 tháng năm 2018, ngành thép có sự tăng trưởng tốt; sản lượng sản xuất sắt thép thô, thép cán thép thanh, thép góc tăng lần lượt là 36,6%, 6,3% và 8,1% so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, sản lượng xuất khẩu các sản phẩm thép đều tăng khá so với cùng kỳ 2017. Đơn cử như Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới tăng cường áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại, thép xây dựng Hòa Phát vẫn duy trì đà tăng trưởng sản lượng xuất khẩu tốt. 9 tháng đầu năm nay, Hòa Phát xuất khẩu tổng cộng 145.000 tấn thép xây dựng, tăng 14% so với 9 tháng năm 2017. Cùng với đó, thị trường xuất khẩu thép liên tục được mở rộng. Với đà tăng trưởng này, Bộ Công Thương dự báo, ngành thép 2018 sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với mức tăng khoảng 20% so với năm 2017.
Tuy nhiên, bên cạnh đà tăng trưởng tích cực, ngành thép đang phải đối mặt với nhiều vụ kiện chống bán phá giá từ các nước nhập khẩu. Thống kê nhanh của Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương cho thấy, từ đầu năm đến nay, ngành thép Việt Nam đã liên tiếp phải đối mặt hàng chục vụ kiện phòng vệ thương mại. Đặc biệt, từ đầu tháng 8/2018 đến nay, ngành thép Việt Nam đã liên tiếp phải đối mặt với khoảng 10 vụ kiện phòng vệ thương mại. Chẳng hạn như vụ việc Bộ Thương mại Thái Lan khởi xướng điều tra gia hạn lần 2 biện pháp tự vệ đối với thép tấm không hợp kim cán nóng dạng cuộn và không cuộn; Liên minh châu Âu (EU) áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời trong vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ với 3 sản phẩm thép của Việt Nam; Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép chống ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam.
Trước đó, thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho biết, tính đến cuối năm 2017, trong số 124 vụ kiện, điều tra phòng vệ thương mại với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, thì có tới 30 vụ kiện liên quan đến thép, chủ yếu là các vụ điều tra chống bán phá giá.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nhận định, các vụ điều tra bán phá giá từ các nước nhập khẩu có thể gây khó khăn cho xuất khẩu của ngành thép Việt Nam.
Gia tăng khả năng chống chịu
Bên cạnh lo lắng trước các vụ kiện chống bán phá giá của các nước nhập khẩu, một số ý kiến lại cho rằng, điều này chứng tỏ năng lực cạnh tranh của các DN thép Việt Nam đang tăng lên đáng kể. Một đại diện DN thép chia sẻ: “Các nước điều tra chống bán phá giá vì họ nghi ngờ ngành thép Việt Nam được Chính phủ bảo hộ để DN thép có điều kiện bán hàng với giá thấp hơn so với DN khác trên thị trường, nhưng kỳ thực các DN Việt Nam đang vận hành theo cơ chế thị trường bằng sức cạnh tranh của họ”. Bằng chứng là, trên thực tế, thời gian qua các DN ngành thép Việt Nam đã thắng nhiều vụ kiện chống bán phá giá.
Cuối tháng 7/2018, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát phát đi thông cáo cho biết, Hòa Phát không bị áp thuế khi xuất khẩu sang EU. Trước đó, đầu năm 2018, Ủy ban Chống bán phá giá Australia (ADC) cũng đã tuyên bố Hòa Phát và DN thép Việt Nam không bán phá giá và chấm dứt điều tra, nhiều đối tác của Tập đoàn tại quốc gia này đang tiếp tục đặt hàng thép xây dựng Hòa Phát.
Bởi vậy, nhằm gia tăng khả năng chống chịu của ngành thép trước các sức ép của thị trường, ông Sưa khẳng định, DN thép Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm thông qua việc cung cấp cho thị trường những sản phẩm có chất lượng và giá hợp lý. Trong hoạt động xuất khẩu, các DN nên tránh tập trung vào một vài thị trường nhất định. Thêm nữa, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hỗ trợ thông tin về thương mại quốc tế, đặc biệt từ hệ thống thương vụ tại thị trường các nước, để DN trong nước mở rộng thị trường xuất khẩu, có thông tin ứng xử với những vụ kiện của nước ngoài.
Đại diện Hòa Phát cho rằng, DN phải tự ý thức nâng cao sức cạnh tranh của mình ở mọi công đoạn. “Ở giai đoạn đầu tư, chúng tôi chú trọng công nghệ đầu tư hiện đại thân thiện với môi trường. Trong quá trình sản xuất, để có đầu vào tốt, chúng tôi có những hợp đồng dài hạn để kiểm soát giá nhằm chủ động kế hoạch sản xuất…”, đại diện Hòa Phát chia sẻ. Chia sẻ trên báo giới gần đây, Công ty CP Tôn Đông Á cũng cho rằng, DN tập trung đầu tư công nghệ để sản xuất ra sản phẩm thép có chất lượng cao, bởi công nghệ tốt không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm thép, giúp tôn thép Việt Nam thuận lợi và tự tin hơn khi bước ra sân chơi quốc tế.
Nguồn tin: Baodauthau