Chia sẻ với CNBC, CEO của một hãng thép lớn tại Ấn Độ dự đoán, giá thép có thể tăng "cao hơn nhiều" trong vài năm tới so với mức trung bình của vài năm trở lại đây.
Cuối tuần trước, chia sẻ trên một chương trình của CNBC, ông T.V. Narendran - CEO của tập đoàn thép Ấn Độ Tata Steel, cho biết trong 7 hoặc 8 năm qua, giá trung bình của thép cuộn cán nóng (HRC) là khoảng 400 - 450 USD/tấn.
Ông Narendran dự đoán, trong dài hạn, giá thép HRC có thể đạt trung bình hơn 600 USD/tấn. Vị CEO cho biết thêm, trong phiên giao dịch ngày 3/12, giá thép tại Trung Quốc dao động quanh mức 750 USD/tấn và tại Đông Nam Á là khoảng 850
GIÁ THÉP CÓ THỂ TĂNG CAO HƠN TRONG KHOẢNG 10 NĂM TỚI |
"Tôi kỳ vọng giá thép trong dài hạn sẽ tăng lên ngưỡng 600 USD/tấn, tất nhiên giá có thể biến động và biến động mạnh hơn so với những gì chúng ta từng thấy trong quá khứ", ông Narendran nhấn mạnh.
CEO của Tata Steel giải thích rằng thị trường thép đang trải qua một số thay đổi mang tính cấu trúc, trong đó có việc chi phí sản xuất gia tăng và vai trò ngày càng khác lạ của Trung Quốc.
"10 năm qua, thị trường thép bị chi phối bởi lượng xuất khẩu của Trung Quốc. Giờ đây, hoạt động thương mại thép thế giới đã ổn định hơn nhiều", ông Narendran nói.
Theo vị CEO, ở thời kỳ đỉnh cao, Trung Quốc xuất khẩu nhiều thép hơn cả sản lượng của Ấn Độ. Song về sau, xuất khẩu thép của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm một nửa xuống còn 60 triệu tấn/năm và có thể giảm sâu hơn khi Bắc Kinh theo đuổi chiến lược giảm phát thải khí nhà kính.
Hơn nữa, lần đầu tiên sau nhiều năm, nhu cầu thép toàn cầu sẽ không còn phụ thuộc vào Trung Quốc, ông Narendran nói. Ông lưu ý rằng Hiệp hội Thép Thế giới đã dự đoán tăng trưởng tiêu thụ thép trong năm nay đến từ các nước khác chứ không phải Trung Quốc.
"Trong bối cảnh phương Tây đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhu cầu thép có thể tăng cao hơn", CEO của Tata Steel - hãng thép lớn thứ 12 thế giới tính theo sản lượng năm 2020, nhấn mạnh.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký ban hành một đạo luật đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá hơn 1.000 tỷ USD. Kế hoạch tham vọng này có thể thúc đẩy mức tiêu thụ thép của siêu cường số một thế giới.
Ở phía nguồn cung, chi phí đầu vào để luyện thép đang ở "mức cao trong lịch sử" do giá than tăng nóng. Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là giá quặng sắt đã suy yếu và sẽ giao dịch trong khoảng 100 - 120 USD/tấn trong dài hạn.
Ngoài ra, giá thép cũng có thể bị kéo lên cao hơn do châu Âu, một thị trường sản xuất thép lớn của thế giới, ngày càng chú trọng đến mục tiêu giảm khí thải carbon, ông Narendran cho biết thêm.
"Nhìn chung, tôi dự đoán trong 10 năm tới, giá thép sẽ cao hơn nhiều so với mức trung bình 10 năm qua", CEO của Tata Steel khẳng định.
Nguồn tin: Vietnambiz